Sau 7 năm, thịt gà ta Gò Công được Cty San Hà ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đưa vào siêu thị đã tạo nên tiếng vang và đứng vững được trong nước. Bình quân, 40 xã viên của HTX cung ứng ra thị trường khoảng 200.000 con gà thịt...
Bà Trần Thị Lệ cho gà ăn
Bà Trần Thị Lệ, ấp Kinh Trên, xã Bình Ân (Gò Công Đông, Tiền Giang) cho biết đã 4 năm bỏ nghề nuôi lợn chuyển sang nuôi gà.
Nuôi gà Gò Công không còn phải lo đầu ra vì đã được HTX ký hợp đồng với Cty bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Chi phí ban đầu cần khoảng 40 triệu đồng đầu tư chuồng, xây dựng đúng quy trình. Vốn đầu tư con giống, thức ăn và thuốc thú y trong vòng 4 tháng bình quân 80 triệu đồng/1.000 con.
Tuy nhiên, con giống, thức ăn và thuốc thú y được cửa hàng trong HTX bán ghi nợ một phần đến cuối vụ thu hồi. Bà Lệ cho biết, ngày đầu gia nhập HTX chỉ nuôi 1.000 con, sau 4 tháng thu lãi được 20 triệu đồng. Vụ tiếp theo mở rộng quy mô lên 2.000 con, rồi 4.000 con và nay 6.000 con.
Sau 4 năm vào HTX đã mang lại lợi nhuận cho gia đình bà Lệ bình quân 250 triệu đồng/năm trên diện tích 5.000m2.
Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản Gò Công (HTX Gà ta Gò Công), số 6/6 Nguyễn Trọng Dân, phường 3 (thị xã Gò Công, Tiền Giang) cho biết: Sau 7 năm, thịt gà ta Gò Công được Cty San Hà ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đưa vào siêu thị đã tạo nên tiếng vang và đứng vững được trong nước.
Bình quân, 40 xã viên của HTX cung ứng ra thị trường khoảng 200.000 con gà thịt từ 1,4 - 1,8 kg/con. Năm 2015, doanh thu của các xã viên đạt trên 16 tỷ đồng, trừ chi phí người nuôi còn lãi 2,4 tỷ đồng, riêng HTX lợi nhuận được 70 triệu đồng.
Cơ sở chăn nuôi gà của bà Lệ
HTX thành lập tháng 4/2007, sau đại dịch cúm gia cầm, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Gò Công góp ý: Các anh có trình độ quản lý, có tay nghề, kinh nghiệm, nhà nước có vacxin cúm H5N1 sao các anh không chăn nuôi trở lại. Nếu có nuôi thì nên tổ chức sản xuất theo hình thức HTX.
Nghe gợi ý có lý thế là vận động những hộ dân có ý tưởng làm ăn thành lập HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công. Lúc đó tôi rất mừng, vì có mô hình làm ăn mới, nhưng loay hoay, trăn trở, không biết bắt đầu từ đâu.
Thế rồi, một lần nữa lãnh đạo phòng kinh tế lại gợi ý: Các anh nên chú ý phát triển đặc sản quê hương từ giống gà ta truyền thống vốn được nhiều người ưa chuộng, giá lại cao. Nhận định lời gợi ý rất hay thế là tôi để tâm nghiên cứu, lai tạo ra giống gà mới đang rất thành công, ông Kiệt nói.
Ngày HTX đi vào hoạt động chỉ có 16 xã viên, huy động được 33 triệu đồng vốn điều lệ. Sau 9 năm hình thành và phát triển nuôi gà Gò Công, đến nay, đã có 40 hộ dân trong và ngoài huyện tham gia nuôi trên 200.000 con/năm. Nhu cầu người dân xin vào HTX thì nhiều, tuy nhiên việc giữ chữ tín trong sản xuất chưa được tốt nên Ban giám đốc còn rất cân nhắc.
Ông Kiệt chia sẻ: Thịt gà ta Gò Công tìm được đầu ra ổn định đến ngày hôm nay là được tổ chức FAO tài trợ cho HTX dự án nuôi gà an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi bán hàng vào hệ thống nhà hàng, siêu thị...
Dự án được thực hiện năm 2009, lúc đó các nhà khoa học đến từ Đại học Nông lâm TP.HCM hướng dẫn xã viên cách nuôi gà an toàn dịch bệnh; làm cầu nối cho HTX giới thiệu sản phẩm và bán hàng theo hệ thống chuỗi nhà lớn ở Hội An, Cần Thơ, TP.HCM…
Hỗ trợ HTX thành lập 1 điểm giết mổ gia cầm tập trung tại TX Gò Công với công suất 300 con/ngày để cung ứng gà sạch cho hệ thống hàng quán và bếp ăn tập thể các trường học bán trú và Cty trong ngoài huyện.
Gà Gò Công rất ngon do được lai tạo giữa gà nội địa và giống ngoại nhập từ Anh. Khi nghiên cứu thành công tôi đã gửi đề tài tham dự hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VII do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức đã giành giải C.
Đầu năm 2009, đã đầu tư mở rộng và nâng cấp toàn bộ cơ sở chuồng trại và quy mô năng lực sản xuất gà giống, HTX gà ta Gò Công đã xây dựng trang trại theo tiêu chuẩn “Thương hiệu Việt” và chính thức được cấp giấy chứng nhận. Từ khi có giấy chứng nhận, HTX ngày càng phát triển với những bước đi bền vững.
Phương thức chăn nuôi gà Gò Công theo kiểu thả vườn để gà vận động chắc thịt và ngon hơn mô hình nuôi công nghiệp. Bà con muốn thả nuôi 1.000 con gà ta Gò Công chỉ cần xây dựng 150m2 chuồng nền xi măng và 300m2 sân để gà chạy bộ và phơi nắng.
Gà ta Gò Công thong dong vào siêu thị
Sản phẩm được Cty San Hà ký kết hợp đồng bao tiêu lâu dài và giá cả được điều chỉnh hằng năm. Ngoài ra HTX thu mua giết mổ giao hàng quán và hệ thống Cty, trường học tại địa phương. Bình quân 1 xã viên nuôi 1.000 con gà sau 4 tháng trừ chi phí thu lãi 20 triệu đồng.
Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nói: Giống gà đặc sản của địa phương được lai tạo từ gà nòi (gà đá) của Gò Công với gà Rốt Ri (Rodri). “Gà ta Gò Công có chất lượng tốt, thịt thơm ngon, mềm, ngọt, ít mỡ và có độ đồng đều rất cao”.
Hiện HTX mạnh dạn đầu tư: Lò ấp, cửa hàng thuốc thú y và thức ăn; lò giết mổ, xe tải lạnh. HTX cũng đã ký hợp đồng với Cty San Hà tiêu thụ sản phẩm lâu dài; các cửa hàng tiện ích riêng tại địa phương đã đặt mua sản phẩm.
Thương hiệu “Gà ta Gò Công” đã đoạt giải C Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VII (2007 - 2008). HTX đã đăng ký thương hiệu độc quyền “Gà ta Gò Công” với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Năm 2009, sản phẩm trứng gà và gà thịt thương phẩm của HTX gà ta Gò Công đã được Bộ KH-CN tặng giải thưởng “Giải vàng thương hiệu thực phẩm chất lượng an toàn Việt Nam".
Năm 2010, sản phẩm gà ta Gò Công của HTX lọt vào Top 100 sản phẩm ưu tú hội nhập WTO và giữ vững cho đến nay. HTX đang phấn đấu vào Top 10 sản phẩm cạnh tranh hội nhập.